Xử phạt hành vi bạo lực gia đình như thế nào?
Bạo lực gia đình đang gia tăng với quy mô toàn cầu và xảy ra ở hầu hết các quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. Vậy theo Pháp luật Việt Nam, xử phạt hành vi bạo lực gia đình như thế nào?
Thủ tục nhận nuôi con giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
Khi ông bà quành quyền nuôi cháu phải thỏa điều kiện gì?
Điều kiện kết hôn với cán bộ công an
Quan hệ gia đình giữa chồng với vợ, cha mẹ với con cái là mối quan hệ thiêng liêng và ấm áp. Gia đình là nơi thỏa mãn những nhu cầu tình cảm và vật chất của các thành viên, bảo vệ họ trước những sóng gió của cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay còn rất nhiều trường hợp, gia đình không còn là tổ ấm, hành vi bạo lực diễn ra khiến nơi ấm áp nhất trở thành nơi gây ra vết thương ám ảnh suốt đời.
Mục lục
Hành vi bạo lực gia đình là gì?
Ngày 01/07/2008 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 có hiệu lực thi hành đã tạo hành lang pháp lí quan trọng cho việc xây dựng các mô hình và tổ chức các biện pháp xử phạt hành vi bạo lực gia đình.
Hành vi bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Trên thực tế, bạo lực gia đình được thể hiện ở rất nhiều hành vi khác nhau và có thể được chia thành những nhóm khác nhau như: bạo lực vào thể chất; bạo lực tinh thần; bạo lực về tình dục, bạo lực về kinh tế,…
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực gia đình như hiện nay như sự tồn tại tình trạng bất bình đẳng giới, tư tưởng gia trưởng ở một phần không nhỏ người dân Việt Nam, bên cạnh đó còn do việc lạm dụng chất kịch thích, ngoại tình, ghen tuông và thiếu hiểu biết về kiến thực Pháp luật. Thông thường, các hành vi bạo lực gia đình thường do người chồng khởi xướng, là hành vi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thậm chí xâm phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng, đặc biệt ở phụ nữ và trẻ em.
Các trường hợp nào bị xử phạt hành vi bạo lực gia đình?
Theo Điều 2 của luật này, hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
- Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
- Cưỡng ép quan hệ tình dục;
- Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
- Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
- Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
- Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Xử phạt hành vi bạo lực gia đình như thế nào?
Để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng cũng như răn đe những đối tượng đang và sẽ có tư tưởng bạo lực trong tương lai, Pháp luật Việt Nam đã ban hành nhiều hình thức chế tài khác nhau để xử phạt hành vi bạo lực gia đình.
Theo Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về hành vi bạo lực gia đình bên cạnh việc được Tòa án giải quyết yêu cầu ly hôn còn bị xử lý nghiêm minh và đúng Pháp luật. Người thực hiện hành vi bạo lực gia đình phải chịu chế tài bao gồm: biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy theo mức độ, tính chất của hành vi, sẽ bị áp dụng các biện pháp chế tài khác nhau.
a. Biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân
Đây là biện pháp xử phạt hành vi bạo lực gia đình bằng cách cấm người thực hiện hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân, đến gần nạn nhân, sử dụng các phương tiện thông tin khác bạo lực tinh thần nạn nhân.
Người thực hiện hành vi bạo lực gia đình có thể bị áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bị bạo lực gia đình và gửi đơn yêu cầu đến chủ tịch UBND cấp xã hoặc tòa án áp dụng biện pháp này.
b. Xử phạt hành chính
Đối với những hành vi chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và chưa đủ yếu tố để cấu thành tội phạm xử lý hình sự, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức phạt tiền và áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả.
Quy định mức xử phạt hành vi bạo lực gia đình từ 100.000 đồng đến 2.000.000 đồng, tương ứng với hành vi được quy định trong mục 4 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, người có hành vi bạo lực còn có thể bị buộc xin lỗi công khai, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc tịch thu tang vật.
c. Xử phạt hình sự
Xừ phạt hành vi bạo lực gia đình bằng biện pháp hình sự là khi hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật. Điều 151 Bộ luật Hình sự 1999 đã có quy định cụ thể hơn về việc xử phạt hành vi bạo lực gia đình “Người ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”. Bên cạnh đó, người gây ra hành vi bạo lực gia đình có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích cho người khác, tội hành hạ người khác,…
Bạo lực gia đình dù ở bất kỳ hình thức nào cũng để lại những tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần không chỉ của nạn nhân mà còn của các thành viên khác trong gia đình, tác động tiêu cực đến lực lượng lao động, hoạt động kinh tế. Để góp phần ngăn chặn bạo lực gia đình, cần phải tuyên truyền sâu rộng về pháp luật, xây dụng mô hình phòng chống bạo lực gia đình ở địa phương, làm cho mỗi gia đình hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình để xây dưng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững. Cần xem đây là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không của riêng ai.