Ý nghĩa giáo lý hôn nhân và gia đình cùng mối quan hệ pháp luật
Giáo lý hôn nhân và gia đình là yếu tố để xây dựng gia đình hạnh phúc, làm nên sự gắn kết giữa các thành viên và tạo cơ sở để có một cuộc sống hôn nhân bền vững. Không những vậy, cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn sẽ còn phải hiểu và hiện thực hóa các lý lẽ ấy trong thời kỳ hôn nhân, áp dụng vào việc dạy dỗ, giáo dục con cái sau này. Đây mới là mục đích, ý nghĩa thực sự của giáo lý này hướng đến. Từ đây, cần xác định đến mối quan hệ với pháp luật Việt Nam.
Mục lục
Giáo lý hôn nhân gia đình định nghĩa hôn nhân thế nào?
Theo sách “Giáo lý hôn nhân và gia đình” thuộc Nhà xuất bản Tôn giáo định nghĩa: “Hôn nhân là một giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ, với ý thức tự do và trách nhiệm, để sống yêu thương và giúp đỡ nhau trong tình nghĩa vợ chồng; để sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ.”
Nội dung của giáo lý hôn nhân và gia đình
Từ khái niệm trên, nội dung của giáo lý hôn nhân gia đình chủ yếu xoay quanh những vấn đề như thủ tục hôn phối, tình yêu, tình dục, đạo hiếu, cách giáo dục con cái,… Tuy nhiên, điều này sẽ được nhìn nhận dưới cách nhìn của Thiên Chúa với sự hướng thiện và lòng kính ngưỡng.
Trong nội dung của giáo lý về hôn nhân gia đình, có đề cập đến mục đích của hôn nhân. Đó là lợi ích của đôi vợ chồng và lưu truyền nòi giống. Đây là hai mục đích mang tính xuyên suốt trong cuộc sống hôn nhân.
Bên cạnh đó, giáo lý này còn đề cập đến khế ước hôn nhân và cho rằng đó là sự thu hút tự nhiên về giới tính cũng như từ sự bổ túc lẫn nhau giữa nam nữ. Đồng thời, cuộc sống hôn nhân còn liên quan đến sinh sản và giáo dục con cái. Con cái đóng vai trò là ân huệ cao quý nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao từ hạnh phúc cha mẹ.
Ngoài ra, giáo lý này còn đi sâu và khai thác nhiều vấn đề của hôn nhân, nêu ra sự đối lập nhưng cũng vô cùng thống nhất đó là những xung đột và sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng. Từ đó, đề cao trách nhiệm của những cặp đôi khi muốn “bước chân” vào cuộc sống hôn nhân với một tinh thần trách nhiệm cùng đức tin cao cả.
Ý nghĩa của giáo lý hôn nhân gia đình và mối quan hệ với pháp luật Việt Nam
Giáo lý hôn nhân gia đình được coi là chuẩn mực của tôn giáo. Theo đó, nó sẽ bao hàm những ý nghĩa nhất định. Đồng thời tạo ra mối quan hệ nhằm xác lập với pháp luật mà ở đây chúng tôi đề cập đến trong phạm vi nước Việt Nam.
Ý nghĩa của giáo lý hôn nhân gia đình
Ý nghĩa của giáo lý hôn nhân gia đình chính là câu trả lời đặc biệt cho lý do tại sao hiện nay, nhiều người học hỏi, tiếp thu kiến thức này trước khi tiến đến cuộc sống hôn nhân của mình. Tuy nhiên, đây cũng là yêu cầu cũng như điều kiện bắt buộc đối với những người theo Công giáo khi người bạn đời không theo đạo.
Theo đó, nam nữ gặp nhau và đến với nhau bằng tình yêu là chưa đủ. Thực tế, cuộc sống hôn nhân nhiều vấn đề sẽ nảy sinh, sẽ có sự mâu thuẫn, thậm chí là đổ vỡ. Như vậy, để có một cuộc hôn nhân bền lâu và hạnh phúc cần phải tiếp thu những tư tưởng này bởi nó đóng vai trò rất lớn trong việc tạo tiền đề tiến đến một gia đình thực sự.
Với giáo lý hôn nhân gia đình, mối quan hệ giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái được điều chỉnh trên cơ sở tôn giáo. Do đó, cách ứng xử giữa những thành viên trong gia đình sẽ dựa trên đức tin, lời thề, lời chứng giám của Chúa và thần linh.
Mối quan hệ giữa giáo lý hôn và nhân gia đình và pháp luật Việt Nam
Giáo lý hôn nhân và gia đình là một biểu hiện của chuẩn mực tôn giáo. Đây đều được coi là những công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội, bao gồm các quy tắc xử sự chung nhằm hướng đến xây dựng một xã hội tiến bộ. Tuy nhiên, bên cạnh đó giữa hai chuẩn mực này sẽ có những điểm khác biệt, cụ thể như sau:
- Về con đường hình thành: Pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật Hôn nhân và Gia đình được hình thành thông qua hoạt động xây dựng pháp lý. Còn đối với giáo lý hôn nhân gia đình sẽ xuất phát từ niềm tin của con người trước những vị thần có năng lực siêu nhiên.
- Về biện pháp bảo đảm thực hiện: Không như pháp luật áp dụng các biện pháp cưỡng chế Nhà nước, tôn giáo nói chung được bảo đảm thực hiện bằng niềm tin và cơ chế tâm lý.
- Về đối tượng tác động: Pháp luật hôn nhân gia đình tác động đến mọi đối tượng trong mọi phương diện đời sống xã hội ở phạm vi đất nước Việt Nam. Thế nhưng, giáo lý hôn nhân gia đình chỉ tác động đến các tín đồ của mình.
- Về giai đoạn ra đời và tồn tại. Pháp luật chỉ tồn tại khi có sự mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp, còn tôn giáo được hình thành trong mọi giai đoạn lịch sử. Bởi đây là một phần đời sống tâm linh không thể thiếu của con người.