Hôn nhân đồng giới – Những điều cần lưu ý theo quy định pháp luật
Hôn nhân đồng giới đã không còn là thuật ngữ quá đỗi xa lạ trong cuộc sống xã hội hiện tại. Đây là mối quan hệ hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học. Pháp luật hôn nhân và Gia đình Việt Nam hiện hành vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận bảo hộ hôn nhân đồng giới như mối quan hệ hôn nhân dị tính, tuy nhiên cũng không có quy định cấm về hoạt động này.
Mục lục
Hiểu rõ hơn về hôn nhân đồng giới
Hôn nhân đồng giới là quan hệ hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học. Đồng giới đã được công nhận không phải là một loại bệnh mà là xu hướng tính dục riêng của mỗi con người. Hôn nhân đồng giới có thể diễn ra giữa những người đồng tính, song tính, chuyển giới. Mối quan hệ hôn nhân này cũng xuất phát và phát triển từ tình yêu, họ tìm thấy ở người kia sự đồng cảm, yêu thương và muốn gắn bó, chăm sóc nhau dưới một mái nhà.
Những người đồng tính cũng như mọi người khác về mặt thể chất, tinh thần, lao động tạo nên các giá trị trong xã hội. Hiện tại, xã hội ngày càng có cái nhìn phóng khoáng hơn đối với quan hệ của người đồng tính. Ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã công nhận quan hệ hôn nhân giữa những người đồng giới, bảo hộ mối quan hệ này dưới góc độ pháp luật quốc gia.
Mối quan hệ của vợ chồng trong hôn nhân đồng giới
Pháp luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam hiện hành đã bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người đồng giới, thay vào đó, khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có nêu: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”.
Như vậy, pháp luật hiện tại không cấm tuy nhiên cũng không thừa nhận đối với mối quan hệ hôn nhân của người đồng giới. Điều này có nghĩa là những quan hệ nhân thân, tài sản mà người đồng giới tạo ra trong khoảng thời gian chung sống như vợ chồng sẽ không được áp dụng các biện pháp bảo hộ từ pháp luật.
Về mặt nhân thân: Người đồng tính hiện tại vẫn chưa đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, những quyền lợi, nghĩa vụ trong hôn nhân mà pháp luật quy định sẽ chưa áp dụng được trong mối quan hệ hôn nhân của người đồng giới: quan hệ cấp dưỡng, quyền nghĩa vụ vợ chồng…
Về mặt tài sản: Quan hệ hôn nhân này sẽ không được áp dụng chế độ tài sản vợ chồng. Thay vào đó, quan hệ tài sản của hôn nhân người đồng giới vẫn sẽ xem là quan hệ giữa hai cá nhân và được điều chỉnh theo quy định của Bộ luật Dân sự cũng như các văn bản pháp lý liên quan khác.
Về mặt con cái: Đối với người kết hôn đồng giới, trong trường hợp có con thì vẫn phải xác định cha/mẹ theo giới tính sinh học và mối quan hệ nhân thân theo quy định của pháp luật chứ không được công nhận là con chung trong thời kỳ hôn nhân.
Lưu ý khi cố tình đăng ký kết hôn đồng giới
Đăng ký kết hôn là thủ tục hành chính hộ tịch được pháp luật quy định. Trong trường hợp cố tình vi phạm, dùng các biện pháp, thủ đoạn sai phạm để được kết hôn đồng giới sẽ bị xử lý hủy kết hôn. Đồng thời người vi phạm tùy vào tính chất, mức độ hành vi có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký kết hôn
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng cho hành vi: Cho người khác sử dụng giấy tờ của mình để làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn; Cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cam đoan, làm chứng sai sự thật về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn.