Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục nhập hộ khẩu theo chồng sau khi kết hôn
Nhập hộ khẩu theo chồng sau khi kết hôn không phải là một thủ tục hành chính bắt buộc theo quy định pháp luật nhưng đây là việc phụ nữ thường làm sau khi kết hôn. Tuy nhiên, nhiều người không biết rõ về thủ tục này. Bài viết này của chúng tôi sẽ hướng dẫn cụ thể để những ai có nhu cầu nhập hộ khẩu theo chồng sau kết hôn có thể dễ dàng thực hiện.
Mục lục
1. Điều kiện nhập hộ khẩu theo chồng
Theo khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020, khi vợ muốn nhập khẩu vào nhà chồng, cần tuân thủ các điều kiện sau đây:
- Chủ hộ và chủ sở hữu của nơi cư trú hợp pháp phải đồng ý cho vợ nhập khẩu;
- Nơi cư trú hợp pháp của chồng không thuộc quyền sở hữu của vợ.
Ví dụ: Chị A ở Nghệ An muốn nhập khẩu vào nhà anh chồng B ở Hà Nội, bố của anh B đang là chủ hộ và chủ sở hữu căn nhà mà anh B đang ở. Nếu chị A muốn nhập khẩu vào nhà anh B thì cần có sự đồng ý của bố anh B.
2. Hồ sơ nhập hộ khẩu về nhà chồng
Theo quy định tại Điều 21 Luật Cư trú 2020, người có nhu cầu nhập hộ khẩu về nhà chồng cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
Tờ khai thay đổi thông tin cư trú: Trong tờ khai này phải có ý kiến đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền về việc cho người được nhập khẩu đăng ký thường trú. Trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản thì không bắt buộc phải có tờ khai này.
Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ vợ chồng: như giấy chứng nhận kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã mà người nộp đơn cư trú.
Trong trường hợp quan hệ vợ chồng đã được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc Cơ sở dữ liệu về cư trú thì không cần phải chuẩn bị giấy tờ chứng minh quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương vẫn yêu cầu người nộp đơn phải chuẩn bị giấy tờ này trong bộ hồ sơ.
Tìm hiểu thêm: Thủ tục nhập khẩu cho con như thế nào?
3. Thủ tục nhập hộ khẩu theo chồng
Thủ tục nhập hộ khẩu theo chồng sẽ được thực hiện theo 3 bước đơn giản như sau:
- Bước 1: Người muốn đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký tại cơ quan đăng ký cư trú của địa phương mà họ đang cư trú.
- Bước 2: Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú sẽ kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, người đăng ký sẽ được hướng dẫn bổ sung.
- Bước 3: Cơ quan đăng ký cư trú sẽ thẩm định và cập nhật thông tin về địa chỉ thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú. Nếu đăng ký bị từ chối, cơ quan đăng ký sẽ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Cơ quan đăng ký cư trú
Cơ quan đăng ký có thể là:
- Công an xã, phường, thị trấn;
- Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.
- Thời gian hoàn tất thủ tục là 07 ngày, tính từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ, theo quy định tại khoản 3, Điều 22 của Luật Cư trú 2020.
Trong quá trình thực hiện thủ tục nhập khẩu vào hộ khẩu của chồng, bạn cần chú ý và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, tránh vi phạm và gây ra các rắc rối pháp lý không đáng có. Chúng tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho những ai đang có nhu cầu nhập hộ khẩu về nhà chồng sau khi kết hôn. Để tiết kiệm thời gian tìm hiểu thông tin, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với luật sư để được tư vấn và hỗ trợ hoàn tất thủ tục trong thời gian ngắn nhất với chi phí tiết kiệm nhất.