Kết hôn đồng giới là gì?
Kết hôn đồng giới không còn là vấn đề quá xa lạ trong xã hội hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề rất nhạy cảm không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới, ngay cả với những nước phát triển. Để hiểu rõ hơn chủ đề này, cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.
Mục lục
1. Kết hôn đồng giới là gì?
Theo khoản 5 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014, Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên kết hôn đồng giới được hiểu là việc kết hôn giữa những người cùng giới tính sinh học, là nam kết hôn với nam và nữ kết hôn với nữ. Hôn nhân đồng giới có thể diễn ra giữa những người đồng tính, song tính, chuyển giới. Mối quan hệ hôn nhân này cũng xuất phát và phát triển từ tình yêu, họ tìm thấy ở người kia sự đồng cảm, yêu thương và muốn gắn bó, chăm sóc nhau dưới một mái nhà.
Dưới góc độ pháp luật thì mỗi quốc gia có những quy định riêng về việc kết hôn đồng giới. Cùng tìm hiểu pháp luật Việt Nam có công nhận hay không việc kết hôn đồng giới.
2. Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về hôn nhân đồng giới?
Luật Hôn nhân gia đình 2000 quy định tại khoản 5 Điều 10 “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”, thậm chí bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 87/2001/NĐ-CP đã hết hiệu lực, thì “hành vi kết hôn giữa những người cùng giới tính được liệt vào những hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng”.
Luật Hôn nhân gia đình 2014 đã bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới và quy định tại Điều 8 Luật HNGĐ 2014 “Điều kiện kết hôn” là “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”, ngầm hiểu rằng Nhà nước ta không thừa nhận hôn nhân đồng giới nhưng cũng không cấm những người đồng giới tổ chức đám cưới, về sống chung với nhau như vợ chồng.
Việc không thừa nhận này đồng nghĩa với việc các đôi cùng giới sẽ không thể đăng ký kết hôn, không được cấp chứng nhận kết hôn, hay việc chung sống của họ sẽ không được pháp luật thừa nhận. Nhưng việc chung sống của các cặp đôi đồng giới sẽ không bị coi là vi phạm pháp luật như trước nữa.
Nghị định số 110/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính và quy định tại Điều 48 về những hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng thì hành vi “kết hôn giữa những người cùng giới tính” không còn được nêu ra.
3. Mối quan hệ giữa những người đồng giới trong quan hệ hôn nhân
Về mặt nhân thân: Người đồng tính hiện tại vẫn chưa đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, những quyền lợi, nghĩa vụ trong hôn nhân mà pháp luật quy định sẽ chưa áp dụng được trong mối quan hệ hôn nhân của người đồng giới: quan hệ cấp dưỡng, quyền nghĩa vụ vợ chồng…
Về mặt tài sản: Quan hệ hôn nhân này sẽ không được áp dụng chế độ tài sản vợ chồng. Thay vào đó, quan hệ tài sản của hôn nhân người đồng giới vẫn sẽ xem là quan hệ giữa hai cá nhân và được điều chỉnh theo quy định của Bộ luật Dân sự cũng như các văn bản pháp lý liên quan khác.
Về mặt con cái: Đối với người kết hôn đồng giới, trong trường hợp có con thì vẫn phải xác định cha, mẹ theo giới tính sinh học và mối quan hệ nhân thân theo quy định của pháp luật chứ không được công nhận là con chung trong thời kỳ hôn nhân.
Căn cứ quy định Điều 37, Luật Dân sự 2015, sau khi chuyển đổi giới tính, cá nhân phải đăng ký thay đổi hộ tịch. Sau đó, người này sẽ có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi. Một trong số các quyền nhân thân là quyền đăng ký kết hôn.
Như vậy, sau khi chuyển giới, đăng ký thay đổi hộ tịch thì người chuyển giới được quyền đăng ký kết hôn với người khác giới tính đã chuyển và quan hệ hôn nhân này sẽ được pháp luật công nhận.