Ly hôn, ai có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con?
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn túng thiếu theo quy định của pháp luật.
Di chúc bằng miệng hoàn toàn có giá trị pháp lý
Quỵt hụi chiếm hơn 6 tỷ đồng, lãnh án 18 năm tù
Người mẹ để lại ba di chúc cho con mình
Sau khi ly hôn, phân chia con cái, cha, mẹ có nghĩa vụ ngang nhau trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, con chưa thành niên (tức chưa đủ 18 tuổi theo Bộ luật dân sự hiện hành (BLDS)), con đã thành niên (đủ 18 tuổi theo BLDS) mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.(Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Những người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con
- Cha mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con (Khoản 2 Điều 82 Luật HN&GĐ 2014)
- Ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng tại (Điều 104 Luật HN&GĐ 2014).
- Anh, chị, em có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không có cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện nuôi dưỡng (Điều 105 Luật HNGD 2014).
- Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp người cần được nuôi dưỡng không còn cha, mẹ, con và những người được quy định. (Điều 106 Luật HNGĐ 2014)
Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha mẹ với con là nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Theo Điều 82 Khoản 2 Luật HN&GĐ 2014 thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con, có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con và phải tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi con.
Thực tế hiện nay, rất nhiều trường hợp khi mâu thuẫn giữa vợ chồng xảy ra thì một trong hai người bỏ đi làm ăn, sinh sống nơi khác (có thể có tin tức hoặc biệt tích) trong một thời gian dài sau đó trở về yêu cầu giải quyết việc ly hôn hoặc người ở nhà không thể chờ đợi thêm nữa nên yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn với người biệt tích. Trong các trường hợp này, người đang nuôi dưỡng con thường yêu cầu người đã bỏ đi biệt tích trở về phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con hoặc khấu trừ tài sản chung của người biệt tích để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con tính từ thời điểm người đó bỏ đi. Với tình huống này có nơi Tòa án chấp nhận yêu cầu buộc cấp dưỡng từ khi người bỏ đi biệt tích không thực hiện việc nuôi dưỡng nhưng cũng có nơi chỉ chấp nhận buộc bên không trực tiếp nuôi con thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng từ khi bản án xử ly hôn có hiệu lực pháp luật.
Việc một số Tòa án chỉ buộc bên không trực tiếp nuôi con thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng tính từ khi bản án xử ly hôn có hiệu lực pháp luật thay cho tính từ ngày không thực hiện việc nuôi dưỡng (bỏ đi biệt tích) là không bảo đảm quyền lợi của người con và bên trực tiếp nuôi con. Theo quy định tại Điều 50 Luật hôn nhân và gia đình thì: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này… Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà trốn tránh nghĩa vụ đó thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Luật này”. Như vậy, theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con không chỉ thực hiện sau khi ly hôn mà phải thực hiện cả trong thời kỳ hôn nhân đang tồn tại. Nghĩa vụ cấp dưỡng đặt ra khi cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc trốn tránh không thực hiện trách nhiệm nuôi con trong thời kỳ hôn nhân. Do đó, khi cha hoặc mẹ không thực hiện nghĩa vụ nuôi con thì mẹ hoặc cha (người đang trực tiếp nuôi con) có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người đó phải đóng góp phí tổn cấp dưỡng nuôi con.
Về thời điểm kết thúc việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn hiện nay vẫn thực hiện chưa thống nhất. Phần lớn tại các Tòa án địa phương, các bản án, quyết định đều tuyên buộc bên không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cho đến khi con đã thành niên (trừ trường hợp con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình). Tuy vậy, trong nhiều bản án, quyết định của một số Tòa án lại tuyên buộc người không trực tiếp nuôi con phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đến khi con trưởng thành. Các Thẩm phán của các Tòa án này cho rằng, hiện nay nhiều trường hợp mặc dù con đã thành niên nhưng đang theo học ở các trường chuyên nghiệp (trung cấp, cao đẳng, đại học) thì cha mẹ phải có nghĩa vụ nuôi ăn học nên khi ly hôn cha mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Do đó, việc tuyên buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đến khi con trưởng thành mới bao quát được trường hợp này và đây là quan điểm mà họ được tiếp thu qua tập huấn nghiệp vụ. Như vậy, với quan điểm như trên các Thẩm phán đã đồng nhất khái niệm “người đã thành niên” với khái niệm “người đã trưởng thành”. Bởi lẽ, tại Điều 81 và Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình quy định: khi ly hôn, cha hoặc mẹ là người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên (hiện nay nhiều Thẩm phán sử dụng thuật ngữ vị thành niên – một thuật ngữ không có trong luật) chứ không quy định nuôi con đến khi trưởng thành.