NGHĨA VỤ CẤP DƯỠNG GIỮA VỢ CHỒNG KHI LY HÔN
Trong quan hệ hôn nhân giữa hai người, việc ly hôn là không ai mong muốn cả. Vậy khi ly hôn, vợ chồng có phải cấp dưỡng cho người còn lại hay không?
Ly hôn khi chưa đăng ký kết hôn giải quyết như thế nào?
Quy định pháp luật về dạy thêm và học thêm
Vợ hoặc chồng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng phải làm sao?
Mục lục
Cấp dưỡng và nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của một người không sống chung với mình nhưng có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.
Theo Điều 115 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định “Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.”
Do đó, sau khi ly hôn, vợ hoặc chồng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người còn lại nếu đối phương rơi vào hoàn cảnh túng thiếu, cần hỗ trợ.
Điều kiện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng khi ly hôn
Theo quy định đã nêu ở trên, vợ hoặc chồng chỉ được xin cấp dưỡng khi: sống trong hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, có lý do chính đáng và đủ điều kiện để hỗ trợ.
Trong đó, sự túng thiếu được xem xét trong trường hợp người đó không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Khi yêu cầu cấp dưỡng thì bên yêu cầu phải đưa ra bằng chứng chứng minh về điều kiện của mình. Việc có được cấp dưỡng hay không phụ thuộc vào đánh giá của thẩm phán khi xử lý vụ việc
Quy định về mức cấp dưỡng giữa vợ chồng
Mức cấp dưỡng do hai bên tự thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Theo đó, tòa án sẽ căn cứ vào mức sống của bên yêu cầu và khả năng cấp dưỡng của bên còn lại để đưa ra một mức cấp dưỡng phù hợp.
Phương thức cấp dưỡng sẽ được thỏa thuận theo tháng, theo quý, theo năm hoặc chỉ một lần duy nhất. Các bên có thể tự thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không có khả năng thực hiện nghĩa vụ vì lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế.
Bên cạnh đó, Khoản 5 Điều 118 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng sau khi ly hôn sẽ bị chấm dứt khi bên được cấp dưỡng kết hôn với người khác.
Như vậy, khi ly hôn mà một bên rơi vào hoàn cảnh túng thiếu thì có quyền yêu cầu bên kia phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng khi có điều kiện. Quy định cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn thể hiện tình nghĩa vợ chồng ngay cả khi quan hệ vợ chồng đã chấm dứt.