Quy định về phân chia tài sản thừa kế
Thừa kế luôn là vấn đề nhạy cảm và chủ đề nóng trong nhiều năm trở lại đây. Thực tế cho thấy có vô số tranh chấp phát sinh bắt nguồn từ nguyên nhân chủ yếu này. Do vậy mà pháp luật ngày càng có những quy định chặt chẽ hơn nhằm giải quyết thích đáng cho những bất đồng liên quan đến phân chia tài sản thừa kế. Đây cũng là cách để những người có quyền đối với phần di sản có thể tự bảo vệ cho quyền lợi của mình nếu chẳng may có những mâu thuẫn xảy ra.
Mục lục
Những điều cần biết về quyền thừa kế
Dưới góc độ pháp luật thì thừa kế được xem như một quyền phát sinh mang tư cách cá nhân. Cụ thể theo quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự 2015 thì cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Theo đó cá nhân có thể để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật hoặc được hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật từ một chủ thể khác. Như vậy là một cá nhân thì ngoài việc tự mình định đoạt và để lại tài sản thì còn có thể được hưởng một phần di sản do người khác để lại. Còn đối với những chủ thể không phải là cá nhân thì chỉ có quyền hưởng di sản theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản theo pháp luật.
Việc thừa kế của các cá nhân đều được thực hiện bình đẳng theo quy định tại Điều 610. Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên cần lưu ý rằng người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Các hình thức phân chia tài sản thừa kế
Về mặt di sản, pháp luật có quy định rõ tại Điều 612 Bộ luật dân sự 2015. Di sản ở đây bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Các chủ thể được hưởng di sản sẽ được phân chia tài sản thừa kế dựa trên các phần di sản còn lại này. Tuỳ theo từng trường hợp mà tài sản thừa kế sẽ được phân chia theo di chúc hoặc theo quy định của luật. Đây cũng là hai hình thức cơ bản trong việc phân chia di sản thừa kế.
Thừa kế theo di chúc
Hình thức này phản ánh rõ được nguyện vọng của một cá nhân trước khi chết trong việc định đoạt tài sản của mình. Cá nhân đó sẽ tiến hành lập di chúc theo ý muốn cũng như thể hiện rõ cách thức phân chia tài sản trong bản di chúc này. Nói cách khác di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Để được lập di chúc thì người lập cần bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Điều 625 Bộ luật dân sự 2015 bao gồm:
– Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Về hình thức, di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Lưu ý mỗi hình thức còn phải tuân thủ một số yêu cầu tương ứng để bảo đảm di chúc có hiệu lực.
Thừa kế theo pháp luật
Hình thức này diễn ra khi người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không đủ điều kiện phát sinh hiệu lực. Điều 649 có định nghĩa về hình thức này là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Các trường hợp áp dụng cách thức phân chia tài sản này bao gồm:
– Không có di chúc;
– Di chúc không hợp pháp;
– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
– Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
– Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.