Hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới ở Việt Nam
Tòa án tối cao Mỹ đã quyết định công nhận hôn nhân đồng giới từ ngày 26/6/2015, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Ở đất nước còn nặng những giá trị hôn nhân truyền thống thì việc hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Mục lục
1. Hôn nhân đồng giới là gì?
Theo khoản 5 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014, Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Để hiểu về hôn nhân đồng giới, trước hết cần phải có cái nhìn đúng đắn về người đồng giới. Đồng giới không phải là một loại bệnh mà là xu hướng tình dục, bị chi phối bởi tâm lý và cấu tạo sinh lý của cơ thể con người mà họ không thể lựa chọn khác được. Họ cũng như những người bình thường khác, chỉ khác về xu hướng tình dục.
Hôn nhân đồng giới là hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học, cụ thể là giữa hai người là đồng tính nam hoặc đồng tính nữ với nhau. Cả hai tìm thấy sự yêu thương, sự đồng cảm, ấm áp từ đối phương và mong muốn cùng nhau về chung một nhà.
Hôn nhân đồng giới có thể diễn ra giữa những người đồng tính, song tính, chuyển giới. Mối quan hệ hôn nhân này cũng xuất phát và phát triển từ tình yêu, họ tìm thấy ở người kia sự đồng cảm, yêu thương và muốn gắn bó, chăm sóc nhau dưới một mái nhà.
Dưới góc độ pháp luật thì mỗi quốc gia có những quy định riêng về việc kết hôn đồng giới. Cùng tìm hiểu pháp luật Việt Nam có công nhận hay không việc kết hôn đồng giới.
2. Hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới ở Việt Nam
Theo Luật HNGĐ năm 2000, việc kết hôn giữa những người đồng giới là hoàn toàn bị cấm.
Nhưng đến năm 2014, khi Luật HNGĐ mới ra đời, quy định tại Khoản 2 điều 8 “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Điều này cho thấy pháp luật đã có cái nhìn cởi mở hơn đối với hôn nhân đồng giới, mặc dù không thừa nhận nhưng cũng đã bỏ quy định cấm.
Đó là sự nhìn nhận bước đầu về hôn nhân giữa những người cùng giới tính của nhà nước ta.
Như vậy, những người đồng giới tính vẫn có thể lấy nhau, nhưng sẽ không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ hôn nhân của họ như những cuộc hôn nhân giữa những người khác giới tính.
Do đó, họ không có quyền yêu cầu được đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền, nhưng họ có thể làm điều họ muốn, đó là tổ chức hôn lễ công khai chuyện tình cảm và không ai có quyền can thiệp. Hiểu rõ điều này đề khẳng định một điều liên quan đến việc đã từng có những cơ quan địa phương tham gia vào việc xử phạt hành chính đối với những hôn lễ như vậy, điều này là sai quy định và tùy tiện trong việc thi hành luật pháp.
Điều này đã mở ra cơ hội được “kết hôn” cho những người đồng tính tại Việt Nam. Nhưng về mặt pháp lý, cuộc hôn nhân này sẽ không được pháp luật bảo vệ trong quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Cụ thể như sau:
- Về quan hệ nhân thân: Quan hệ giữa họ không được gọi là quan hệ vợ chồng cho nên sẽ không được cấp Giấy đăng ký kết hôn, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ và chồng;
- Về quan hệ tài sản: Giữa họ không có “chế độ tài sản trong thời kỳ hôn nhân”. Nếu giữa hai người có phát sinh tranh chấp thì tài sản giữa họ sẽ được giải quyết theo pháp luật dân sự.
Người đồng giới có quyền nhận con nuôi về chăm sóc giáo dục như những cặp vợ chồng khác với trình tự thủ tục nhận con nuôi cũng diễn ra theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, đứa trẻ được một gia đình đồng giới nhận nuôi trên góc độ pháp lý sẽ chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi, là người có quyền giám hộ, đại diện khi con chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự, cũng là người cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp ngay cả khi không còn sống chung với người đồng giới còn lại trong gia đình.