Thủ tục xác định quan hệ cha, mẹ, con
Theo quy định của pháp luật hiện hành, thủ tục xác định quan hệ cha, mẹ, con gồm có thủ tục hành chính và thủ tục tư pháp. Dựa trên tính chất của quan hệ xác định cha mẹ, con có tranh chấp hay không có tranh chấp làm cơ sở xác định cơ quan có thẩm quyền xác định quan hệ cha mẹ, con.
Xem thêm:
>> Cẩm nang đăng ký kết hôn với Việt Kiều
>> Hoa lợi, lợi tức và quyền định đoạt tài sản riêng trong hôn nhân
>> Thủ tục kết hôn giữa người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam tại Việt Nam
Mục lục
Cơ sở để xác định cha, mẹ cho con
Căn cứ theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về việc xác định cha, mẹ cho con như sau:
- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
- Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
- Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
- Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Người có quyền yêu cầu xác định cha mẹ, con
- Trường hợp không có tranh chấp
- Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình.
- Trường hợp có tranh chấp
- Cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình.
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây: (1) Cha, mẹ, con, người giám hộ; (2) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; (3) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; (4) Hội liên hiệp phụ nữ; có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
– Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.
– Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trong trường hợp người có yêu cầu chết. Quyết định của Tòa án về việc xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Trình tự, thủ tục xác định cha, mẹ con
Thủ tục xác định quan hệ cha, mẹ, con trong trường hợp không có tranh chấp
– Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật hộ tịch 2014, người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Theo đó, các chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con được xác định bao gồm:
(1) Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
(2) Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con và có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con. Trong trường hợp cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung yêu cầu đăng ký hộ tịch thì cơ quan đăng ký hộ tịch phải giải thích rõ cho người lập văn bản cam đoan về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật. Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan không đúng sự thật.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp- hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.
– Thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Thủ tục xác định quan hệ cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp
– Trong trường hợp có tranh chấp về việc xác định quan hệ cha, mẹ, con thì cần chuẩn bị các giấy tờ để nộp cho Tòa án như sau:
(i) Đơn khởi kiện về việc xác định quan hệ cha, mẹ, con
(ii) Giấy khai sinh (Bản sao chứng thực)
(iii) Giấy tờ chứng thực cá nhân (CMND/CCCD/ Hộ chiếu) và sổ hộ khẩu của các bên
(iv) Giấy tờ chứng minh mối quan hệ cha, mẹ, con
– Thẩm quyền giải quyết: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết.
– Thời gian chuẩn bị xét xử theo quy định của pháp luật là 4-6 tháng kể từ thời điểm thụ lý vụ án, có thể kéo dài lâu hơn phụ thuộc vào tính chất phức tạp của vụ việc.
Tóm lại, thủ tục xác định quan hệ cha, mẹ, con đã được pháp luật quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành. Dựa trên tính chất của quan hệ xác định cha, mẹ, con có tranh chấp hay không có tranh chấp là cơ sở để xác định cơ quan có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các tranh chấp liên quan đến vấn đề này vẫn còn rất nhiều khó khăn và bất cập trong việc hiểu và áp dụng pháp luật trong các trường hợp cụ thể đặc biệt là xác định thẩm quyền giải quyết, thủ tục tố tụng và nghĩa vụ chứng minh…