Khó khăn trong việc ly hôn có yếu tố nước ngoài
Hiện nay, phụ nữ Việt Nam có xu hướng lấy chồng nước ngoài ngày càng gia tăng, đặc biệt là các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… Tuy nhiên, việc lấy chồng nước ngoài không giống như giấc mộng mà các phụ nữ Việt Nam từng tưởng tượng. Đó là do sự bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, tập tục, môi trường và các yếu tố khác mà các phụ nữ Việt Nam chưa chuẩn bị trước khi lấy chồng ngoại quốc.
Nên cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Người lao động làm thêm giờ được trả lương như thế nào?
Quy định pháp luật như thế nào về sa thải lao động
Trước sự khác biệt đó, nhiều phụ nữ Việt Nam nhanh chóng muốn ly hôn với người chồng nước ngoài. Nhưng việc tiến hành ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn như: ghi lời khai, tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ, xác minh địa chỉ, trưng cầu giám định. Vì thế, để hiểu được quy trình và cách thức xử lý ly hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam, chúng tôi đề cập đến một số vấn đề liên quan đến ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú tại nước ngoài.
Thứ nhất, về cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly hôn:
Đối với công dân Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài. theo Điều 102 Luật hôn nhân và gia đình và Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cư trú hoặc làm việc của bị đơn, có thể thỏa thuận Tòa án nơi cư trú hoặc làm việc của một trong hai bên nếu các bên thuận tình ly hôn. Do đó, phụ nữ Việt Nam có thể chuẩn bị hồ sơ ly hôn gồm giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh, các giấy tờ chứng minh về quyền tài sản trong thời kỳ hôn nhân, giấy tờ tùy thân của hai bên và đơn xin ly hôn nộp tại Tòa án đề cập trên.
Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết ly hôn giữa công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, nhưng người nước ngoài đã về nước mà không còn liên hệ với công dân Việt Nam. Nay công dân Việt Nam muốn ly hôn nhưng không xác định được người nước ngoài đang cư trú tại đâu, theo Nghị Quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tòa án Việt Nam vẫn thụ lý và tiến hành xác minh địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài để liên hệ lấy lời khai. Nếu không liên lạc được với người nước ngoài, thân nhân của họ và cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân từ 1 năm trở lên thì Tòa án xem là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ và xét xử ly hôn khi bị đơn vắng mặt.
Thứ hai, quy trình giải quyết ly hôn tại Tòa án Việt Nam:
Sau khi tiến hành thụ lý đơn Tòa án sẽ xem xét căn cứ cho ly hôn được quy định tại Điều 89 Luật hôn nhân và gia đình là nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn.
Tòa án giải quyết các vấn đề về con cái và tài sản như sau:
Về con cái:
Theo Điều 92 Luật hôn nhân và gia đình quy định, vợ, chồng có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con hoặc Toà án ra quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới ba tuổi thì giao cho mẹ nuôi nếu không có thỏa thuận khác. Trong trường hợp ly hôn mà vắng mặt bị đơn, Tòa án sẽ giao con cho nguyên đơn nuôi dưỡng và chăm sóc.
Về tài sản:
Theo Điều 95, 96, 97, 98 Luật hôn nhân và gia đình áp dụng phân chia tài sản ly hôn theo nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội cũng như trong gia đình. Pháp luật Việt Nam công nhận tài sản riêng trong quan hệ hôn nhân, do đó, sau khi ly hôn, tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.
Về việc phân chia tài sản chung được Luật hôn nhân và gia đình phân chia trong từng trường hợp cụ thể như chia tài sản trong trường hợp vợ chồng chung sống với gia đình; quyền sử dụng đất của vợ, chồng khi ly hôn; nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Đối với tài sản là bất động sản ở nước ngoài thì giải quyết theo pháp luật nơi có bất động sản đó.
Ly hôn có lẽ là điều không ai mong muốn trong cuộc sống vợ chồng . Nhưng một khi mục đích hôn nhân đã không đạt được, những mâu thuẫn càng trở nên gay gắt thì ly hôn lại phần nào giúp những người trong cuộc thoát khỏi những đau khổ, mâu thuẫn. Đặc biệt là những người phụ nữ trong những mối quan hệ hôn nhân khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, thói quen với người nước ngoài. Bởi lẽ đó, chúng tôi mong muốn hỗ trợ, giúp phụ nữ Việt Nam hiểu rõ về thủ tục ly hôn với người nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của mình.