Kết hôn trái pháp luật sẽ được giải quyết như thế nào?
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập mối quan hệ vợ chồng với nhau và phải thỏa các quy định của Pháp luật về điều kiện kết hôn. Trong trường hợp không đáp ứng được các điều kiện kết hôn thì được gọi là kết hôn trái pháp luật. Vậy theo quy định của Pháp luật, trường hợp nào được cho là kết hôn trái pháp luật?
Quy định của Pháp luật: Bồi thường thiệt hại do con gây ra
Bố mẹ bỏ rơi con mới sinh có vi phạm pháp luật
Tranh chấp tài sản trong và sau khi ly hôn như thế nào?
Mục lục
Định nghĩa kết hôn trái pháp luật
Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng, có đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng lại vi phạm điều kiện kết hôn tại một trong các quy định tại Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
Nói một cách đơn giản, quan hệ hôn nhân giữa nam và nữ chỉ được Pháp luật thừa nhận khi đáp ứng đủ điều kiện và tuân thủ các quy định của Pháp luật. Do đó, các trường hợp làm trái với điều kiện kết hôn sẽ bị Tòa tuyên hủy.
Những trường hợp kết hôn trái pháp luật
Theo quy định của Pháp luật hiện hành, nam và nữ khi kết hôn phải tuân theo những điều kiện sau:
- Nam đủ 20 tuổi trở lên và nữ đủ 18 tuổi trở lên;
- Nam và nữ tự nguyện kết hôn;
- Không mất năng lực hành vi dân sự;
- Không vi phạm những trường hợp kết hôn trái pháp luật.
Do đó, những trường hợp sau đây bị cho là kết hôn trái pháp luật:
- Kết hôn do bị cưỡng ép, bị lừa dối;
- Chưa đủ tuổi kết hôn;
- Kết hôn với người đang có vợ hoặc có chồng;
- Kết hôn với người mất năng lực hành vi;
- Kết hôn giữa những người có cùng dòng máu trực hệ hoặc có họ hàng trong phạm vi ba đời;
- Kết hôn giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi;
- Kết hôn giữa những người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
- Lợi dụng việc kết hôn để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có mục đích khác nhằm trục lợi.
Kết hôn trái pháp luật sẽ được giải quyết như thế nào?
Những trường hợp kết hôn kể trên là trái pháp luật và cần phải cấm vì mang lại những hệ lụy như: hôn nhân sẽ gặp nhiều mâu thuẫn trong trường hợp bị cưỡng ép hay bị lừa dối, con cái sinh ra có nguy cơ bị dị tật cao nếu cha mẹ có cùng dòng máu trực hệ, hoặc kết hôn với người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ chồng có thể sẽ không hạnh phúc. Tùy thuộc vào mỗi trường hợp, mà Tòa án sẽ có hướng giải quyết khác nhau.
1. Trường hợp kết hôn do bị cưỡng ép hoặc bị lừa dối
Theo tinh thần của Nghị quyết 02/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân gia đình, trong trường hợp nếu một người kết hôn do bị cưỡng ép hay bị lừa dối mà họ đã biết nhưng thông cảm và đồng ý tiếp tục chung sống hòa thuận thì không quyết định hủy kết hôn. Nhưng nếu phát sinh mâu thuẫn khiến vợ chồng không thể tiếp tục sống chung, thì Tòa án sẽ thụ lý và giải quyết việc ly hôn theo thủ tục chung.
2. Trường hợp kết hôn trái pháp luật nhưng đã đủ điều kiện kết hôn ở thời điểm hiện tại
Nếu hôn nhân không đủ điều kiện kết hôn thì được xem là kết hôn trái pháp luật, do đó, Tòa án sẽ giải quyết việc này. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, mà cả hai đã đủ điều kiện để kết hôn và cùng yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân, thì Tòa án phải đồng ý với yêu cầu này. Theo đó, quan hệ hôn nhân của hai người được xác lập kể từ khi các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của luật pháp.
Hệ quả của vệc hủy kết hôn trái pháp luật
Việc hủy kết hôn trái pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nam và nữ cũng như con cái của họ, vì thế các hệ quả sau khi Tòa án tuyên bố hủy kết hôn trái pháp luật được giải quyết như sau:
1. Về quan hệ nhân thân
Pháp luật chưa bao giờ thừa nhận hai người kết hôn trái pháp luật là vợ chồng, vì thế, ở khía cạnh pháp lý giữa họ không hề phát sinh quan hệ vợ chồng.2
2. Về vấn đề tài sản
- Tài sản riêng: người có tài sản riêng phải chứng minh được đó là tài sản của mình. Nếu không chứng minh được thì được xem là tài sản chung.
- Tài sản chung: tài sản chung sẽ được chia theo thỏa thuận giữa hai bên, nếu hai bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ phân chia theo quy định của Bộ luật Dân sự. Khi chia tài sản chung cần tính đến công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung, đồng thời ưu tiên bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con cái.
3. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Theo quy định của Pháp luật Việt Nam, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con không phụ thuộc vào hôn nhân của cha mẹ có hợp pháp hay không. Tuy hai người kết hôn trái pháp luật và không được công nhận là vợ chồng nhưng vẫn là cha, mẹ của con chung.
Khi Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật thì quyền lợi của con cái sẽ được giải quyết tương tự trường hợp cha mẹ ly hôn. Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con, Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế của hai bên để giải quyết.
Có thể thấy rằng kết hôn trái pháp luật là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị hủy bởi Tòa án. Vì thế, chúng ta cần phải biết rõ những trường hợp bị cấm kết hôn để đảm bảo hôn nhân của mình đúng với yêu cầu và được Pháp luật công nhận.